Dạy học trong môi trường hiện nay hết sức cơ động và linh hoạt, học ở lớp, học online, học trong phòng thí nghiệm, thực nghiệm ở hiện trường, thực tập tại các nhà máy, doanh nghiệp, tự học cá nhân, học và làm việc theo nhóm.Và trên hết, sự khác nhau đặc biệt giữa dạy và học truyền truyền thống với dạy và học hiện đại đó là việc ứng dụng một cách phổ biến những ứng dụng của khoa học công nghệ hiện đại vào công tác giảng dạy và học tập.
Nội dung của dạy học truyền thống gói chọn trong sách vở và những gì nhận được trên lớp do giáo viên truyền đạt. Với cách học hiện đại, người học được tiếp cận kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau, đó là: giáo viên, sách, báo, bảo tàng, các học liệu mở, học qua internet. Việc khai thác tìm hiểu những thông tin nào là hoàn toàn tùy thuộc vào nhu cầu, kinh nghiệm của người học. Phương pháp diễn giảng, truyền thụ kiến thức một chiều, hình thức tổ chức cố định giới hạn trong bốn bức tường của lớp học khác xa với hình thức tổ chức lớp ở dạy học hiện đại.
Qua những phân tích về xu thế giáo dục hiện đại một lần nữa ta phải khẳng định một điều là vai trò của việc ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống nói chung và trong lĩnh vực giáo dục nói riêng vô cùng to lớn. Vai trò đó được thể hiện ở những khía cạnh chính sau đây:
Thứ nhất, ứng dụng công nghệ vào giảng dạy có vai trò thúc đẩy giáo dục mở, giúp hoạt động giáo dục đạt hiệu quả cao hơn: Công nghệ thúc đẩy một nền giáo dục mở, giúp con người tiếp cận thông tin đa chiều, rút ngắn khoảng cách, thu hẹp mọi không gian, tiết kiệm tối ưu về thời gian. Từ đó con người phát triển nhanh hơn về kiến thức, nhận thức và tư duy. Chương trình giáo dục mở giúp con người trao đổi và tìm kiếm kiến thức một cách hiệu quả.
Thứ hai, người dạy và học dễ dàng thu thập, tổng hợp, lưu trữ được lượng kiến thức phong phú đa dạng và được cập nhật thường xuyên: Với giáo dục truyền thống, sinh viên tiếp nhận kiến thức chủ yếu từ sách vở, giáo trình và ngồi nghe giáo viên giảng trên lớp thì hiện nay, nguồn kiến thức đa dạng này được cung cấp trực tuyến qua kết nối internet, chúng ta có thể tìm thấy hàng nghìn hàng triệu kết quả tra cứu sau một cú click chuột. Công nghệ giúp truy cập tức thời tới các nguồn tri thức, từ kiến thức phổ thông tới tri thức học thuật đều có thể dễ dàng tìm kiếm và áp dụng trong các quy trình giảng dạy thông qua các hệ thống tra cứu của thư viện, các máy tìm kiếm (search engines) như Google Search, Google Scholars, Google Books, các cơ sở dữ liệu học thuật như Scopus, các mạng xã hội học thuật như Academia, Resarch Gates,…
Thứ ba là mang lại sự tiện lợi bởi không gian và thời gian học tập nghiên cứu linh động: Người học có thể tự học ở mọi lúc (bất kể thời gian nào được cho là phù hợp với từng cá nhân), mọi nơi (bất kể nơi nào miễn có kết nối internet với chương trình trực tuyến, hoặc có thể lưu lại để học trên máy tính, điện thoại (khi không có kết nối internet). Ứng dụng công nghệ cho phép tất cả mọi người có thể tham gia thảo luận một vấn đề nào đó (hội thảo, hội nghị, họp,…) mà không cần phải tập trung tại một địa điểm, không phải ở cùng 1 quốc gia, qua đó góp phần tạo ra một xã hội học tập rộng lớn mà ở đó, người học có thể chủ động học tập, trao đổi kiến thức, trau dồi kinh nghiệm suốt đời.
Thứ tư là vai trò trong việc thúc đẩy phát triển năng lực cá nhân: Với sự thuận tiện cho việc học ở mọi lúc mọi nơi, ứng dụng công nghệ sẽ tạo cơ hội cho người học có thể lựa chọn những vấn đề mà mình ưa thích, phù hợp với năng khiếu, sở thích, từ đó phát triển theo thế mạnh của từng người. Chính điều đó sẽ thúc đẩy sự phát triển của các tài năng.
Thứ năm là vai trò trong việc nghiên cứu, chuyển giao KHCN: Việc ứng dụng công nghệ thông tin nói chung trong quản trị hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ trong các trường đại học bao gồm các nội dụng cơ bản như: Ứng dụng trong quản trị việc đăng ký và cấp mã số các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ; Ứng dụng trong quản trị hoạt động nghiên cứu khoa học của chủ thể nghiên cứu khoa học; Ứng dụng trong quản trị đầu ra của sản phẩm nghiên cứu khoa học; Ứng dụng trong quản trị và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Thư sáu, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực, thích ứng nhanh với công việc trong tương lai: Xu hướng giáo dục và đào tạo ngày nay là đào tạo đi đôi với sử dụng, dạy nghề đi đối với hướng nghiệp ngày càng trở nên phổ biến đối với các trường đại học ở trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Việc người học được tiếp cận những ứng dụng công nghệ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ giúp rèn luyện những kỹ năng thực hành, làm việc trong môi trường công nghệ, khi ra trường sẽ sớm hòa nhập với môi trường làm việc mới đòi hỏi những kỹ năng cũng như hiểu biết nhất định về công nghệ.
Như vậy, ứng dụng công nghệ trong giảng dạy và học tập hay nói cách khác việc đổi mới chương trình đào tạo theo hướng cập nhật các công nghệ tiên tiến, hiện đại sẽ là nền tảng để cung ứng được nguồn nhân lực dồi dào có chất lượng cao cho nền kinh tế thị trường hiện nay.
T/H