Lê Trung Tuấn – một người từng nghiện ma túy đến tột độ, phá phách, tự tử nhiều lần, chết lâm sàng… đã tìm ra bí quyết để cai vĩnh viễn. Anh viết sách – một lối trả ơn đời bằng ngòi bút chưa từng có, in hàng vạn cuốn, đi tặng cho học viên ở các trung tâm cai nghiện.
Suốt 13 năm vật vã “vươn lên làm người trở lại”, đến nay, Lê Trung Tuấn đã được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, thành chủ doanh nghiệp và là một người nổi tiếng với tấm lòng tri ân các liệt sỹ. Cuốn sách Nẻo về của anh được ra mắt trong trại cai nghiện, trong nước mắt của hàng nghìn học viên. Anh đã đến các trại giam cả nước rồi diễn thuyết nói về một nẻo về tươi sáng hơn cho những người mà Tuấn rất đồng cảm.Tác giả cuốn tự truyện Nẻo về (NXB Công an Nhân dân) đang gây xúc động đặc biệt trong dư luận nói: “Tôi hy vọng qua cuốn sách này thì cuộc đời cũng sẽ bớt đi những thị phi, mặc cảm, hãy đồng cảm với những người đã lầm lỗi, đặc biệt là người nghiện ma túy, trên Nẻo về thăm thẳm của họ. Vì trong sâu thẳm của trái tim, dù tội lỗi và cuồng quay với ma tuý kia thì họ vẫn còn là một con người. Hãy giúp họ để đánh thức phần Người trong họ. Tôi vẫn luôn tin và rất tin qua những dòng chữ chân thành của mình sẽ có những đớn đau, trăn trở để rồi lại có những lột xác tìm đến các nẻo về trong sáng hơn”.
“Cả cuốn sách là sự giằng giật quyết liệt đến ngạt thở mà người đọc yếu đuối sẽ không dám giở tiếp những phần sau. Bởi nó ghê rợn quá, hiểm ác quá, đau buồn quá. Tức là cuốn sách thỏa mãn người tiếp cận với nó trên cả hai phương diện: dữ dội và lắng chìm. Cuốn sách bản thân đã chứa sức nặng của một cuốn tiểu thuyết bổ ích mang tính nhân văn, mặc dù nó vẫn còn có nhiều đoạn vụng về, thô ráp, mang tính nghiệp dư nhưng một khi đã tiếp xúc với nó, không ai không cảm thấy có chút giật mình, lo lắng, thậm chí hãi sợ nhưng sau đó là yêu tin con người, yêu tin cuộc đời hơn. (…) Một hoài niệm tử tế được viết ra bằng khổ đau, máu và nước mắt.”
Tiến sĩ Xã hội học Trịnh Hòa Bình: Tôi đánh giá cao khát vọng viết sách giúp Đời của Tuấn. Tôi đọc thiên tự truyện này một cách vất vả, bởi thói xấu của mình là đại khái vẫn chủ quan cảm nhận rằng mình biết hết mọi chuyện, ít nhất là về logic của truyện kể đời thường vẫn hay lăng xê về dao kiếm chém giết… Khi bản thân xuất phát từ văn tổng hợp nhưng lại thay đổi nghề Xã hội học đã 36 năm nay. Ấy thế mà rồi sau hết vẫn bị cuốn hút bởi câu chuyện kể cuộc đời đặc biệt của Tuấn. Đọc xong, tôi đã phải gọi điện cho cả Tuấn và nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (người hiệu chỉnh cuốn sách), rằng văn của Tuấn hay là văn của Hoàng đấy? Tôi còn ngỡ ngàng hơn, khi xem bản thảo gốc và so sánh với những gì Đỗ Doãn Hoàng hiệu chỉnh: cơ bản là văn của Tuấn thôi.
Vậy là, trên cái “Nẻo về” ấy, Tuấn đã tìm thấy, đã đi đến đích; tôi thật lòng mong muốn, cuốn tự truyện đầy tâm huyết này cũng sẽ đi đến cái “đích” đầy tình nhân ái, đầy trách nhiệm xã hội mà Tuấn và những người thực hiện chắt chiu hướng đến. Tấm gương người nghiện thoát khỏi ma túy như Tuấn, với góc nhìn của một người làm nghề xã hội học, tôi thấy thật bổ ích khi đem xuất bản thành sách, viết lên thành báo cho cả xã hội đọc.
Ban đầu là sự nghi ngờ phổ biến, “đừng nghe cave kể chuyện, đừng nghe con nghiện trình bày”. Tuấn từng có lịch sử nghiện ma túy suốt 5 năm với các phá phách rách giời rơi xuống. Sau đó là quá trình âm thầm tìm hiểu, gặp những câu chuyện vô cùng sửng sốt và đầy tử tế của hành trình nghiện, cai, cai, nghiện rồi rồi vài lần chết lâm sàng mới thoát được ma túy của Tuấn. Những bài báo nhỏ ra đời. Càng điều tra, càng kiểm chứng thông tin, tôi lại càng nhận thấy sự chân thành của Tuấn nhiều hơn. Có lẽ, phải đứng trước “nước cờ hiểm nguy”, sự chông chênh mất – còn, sống – chết rõ ràng như đời Tuấn, thì cậu ta mới thấm thía được các lý lẽ của nhân gian đến nhường ấy. Thấm thía, rồi nâng lên làm lẽ sống. Tuấn bảo, em không hô khẩu hiệu đâu, nhưng em nghĩ, bây giờ em sống chỉ là để cống hiến thôi. Những gì cần cho mình thì mình đã có, đã làm cả rồi.