“Đừng nghe thằng nghiện nó văn”…
Thế nhưng chiều nay tôi đã đọc văn của người đã từng là “thằng nghiện” – tự truyện của Lê Trung Tuấn. Với tỉ lệ trên 90% người cai nghiện tái sử dụng ma túy, việc thằng nghiện đi qua ” ả phù dung” thật gian truân. Mỗi chặng cai nghiện – tái nghiện – hứa hẹn – vật vã – cai nghiện – tái nghiện – cai nghiện trải đầy máu và nước mắt. Có máu và nước mắt của người nghiện, nhưng nhiều hơn thế là nước mắt của những người thân trong gia đình, là nỗ lực cùng tuyệt vọng của những người phụ nữ bên đời anh, đó là mẹ, là chị, là hai người vợ của anh.
“Ở những nơi tôi đã sống mấy chục năm qua, mua thuốc phiện, hê rô in, hồng phiến, bạch phiến dễ quá. Ở quê Hà Nam, ở trường học, ở Hà Nội, ở Yên Bái hay bất cứ đâu, tôi đều dễ dàng mua ngay được ma túy để tái nghiện”.
Vật vã rồi chìm trong bùn đen xấu xa, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, Lê Trung Tuấn đã trượt dài từ cuộc đời của chàng sinh viên tươi sáng đến kẻ giang hồ trộm cắp, cướp giật, buôn lậu, đâm thuê chém mướn…Anh đã chết trong lòng của người thân, hàng xóm, tưởng đã chết vì sốc thuốc, tưởng đã tự tử thành công…Nhưng Lê Trung Tuấn ở một góc nhìn tâm linh, dường như anh phải sống. Phải sống để vượt qua cơn nghiện, phải sống để làm người và phải sống để mang thông điệp về nghị lực vượt lên và trả nợ những người đã quá tốt với một thằng nghiện. Anh dường như có “quý nhân phù trợ” trong những thời khắc quyết liệt nhất của cuộc đời mình, và bây giờ anh viết tiếp cổ tích để giúp đỡ những người nghiện hòa nhập lại cộng đồng. ” Tôi giờ mới thấm thía, để cai được ma túy, người ta cần các bài học tâm lý, một sự chuẩn bị và chăm sóc về xúc cảm và tâm lý đến mức nào”.
Tự truyện đời anh là câu chuyện trả nợ nhân gian. Anh nợ người thân, gia đình, nợ cả những nạn nhân của thói giang hồ anh đã có, và anh trả nợ cuộc đời bằng những hoạt động cộng đồng, từ thiện…và xây dựng Long Việt.
Đến Long Việt, bạn sẽ trải nghiệm câu chuyện của Ma túy: từ những cây hoa Anh Túc đến bàn đèn thuốc phiện, từ những bánh hê rô in đến những viên hồng phiến, bạch phiến,…những ảo ảnh và hiện thực được sinh ra từ ma túy… cùng các hoạt động giáo dục kĩ năng sống trong phòng chống sử dụng, buôn bán ma túy.
Tôi đã đọc tự truyện Nẻo về của Lê Trung Tuấn trong một chiều mưa sụt sùi. Tôi đã không thể ngăn được nước mắt rơi trên những dòng chữ chân thực, trần trụi nỗi đau đớn giày vò. Và tôi cũng đã mừng cho anh và cho những ai được tiếp sức để tự cứu mình khỏi ma túy.
Nếu được đặt lại tiêu đề cho tự truyện, tôi sẽ gọi nó là “Trả nợ nhân gian”. Và là một người làm giáo dục, tôi nghĩ sẽ tốt khi đưa thanh thiếu niên đến Long Việt để dạy về phòng chống ma túy.
Nhưng tôi có một câu hỏi cần giải đáp: Tại sao ở nước ta, ma túy lại dễ mua đến thế?
Nguồn FB: Vân Anh Trần
Tiến sĩ Sử học- Giảng viên ĐH Hà Nội.