Tiểu thuyết “Người về từ lửa đạn”- thêm cuốn sách viết về chiến tranh

“Tôi nhận thấy, với tác giả Lê Trung Tuấn khi viết Người về từ lửa đạn, anh cứ viết và có thể kể dài bất tận, muốn ngừng ở chỗ nào cũng được. Người đọc như đang được ngồi bàn trà, nghe một người thân là lính trận kể chuyện đời họ. Không màu mè, trau chuốt, nó gần gũi, mang máng thế thôi, nhưng vì rất thật bởi đó là chuyện máu thịt sinh tử của đời họ.” – Nhà văn Trung Trung Đỉnh đã nhận xét về cuốn Tiểu thuyết “Người về từ lửa đạn” của tác giả Lê Trung Tuấn như thế. Là một cây bút không chuyên, lại sinh ra sau cuộc chiến năm 1975, nhưng tác giả đã viết nên câu chuyện sinh tử của một người lính một cách rất chân thật và cảm động.

“Người về từ lửa đạn” là cuốn sách thứ ba của tác giả Lê Trung Tuấn. Trước đó, tác giả đã rất thành công với hai cuốn sách mang tên “Nẻo về” (xuất bản năm 2013) và “Trải nghiệm trong thế giới vô hình” (xuất bản năm 2016).

Tác giả Lê Trung Tuấn có nhiều dịp tiếp xúc với thân nhân liệt sĩ, quan tâm đặc biệt tới các vị quả cảm vì nước vong thân. Nhờ sự quan tâm, gắn bó đặc biệt, cũng như tấm lòng với các câu chuyện về liệt sỹ và thân nhân liệt sỹ, nên tác giả ít nhiều “kể” câu chuyện “Người về từ lửa đạn” bằng tâm thế của người trong cuộc.

“Cuốn tiểu thuyết “Người về từ lửa đạn” xoay quanh câu chuyện về người lính tên là Nguyễn Văn Tâm. Cuốn sách bắt đầu bằng không gian đất nước thời chiến tranh chống Mỹ lên đến đỉnh điểm cao trào của những năm 1967-1968. Ở miền Nam, chúng phát động chiến tranh cục bộ ác liệt với những chiến dịch Đường Chín – Khe Sanh, cùng Hàng rào Điện tử Mc Namara, hòng ngăn chặn sự xuất quỷ nhập thần của đặc công Việt Cộng. Ở miền Bắc, chiến tranh phá hoại mở rộng, chúng liên tục cho máy bay “thần sấm”, “con ma” mở nhiều trận, nhiều đợt tiến công bằng bom tấn, bom tạ, bom bi, bom bầy khốc liệt hòng tiêu diệt quân ta tận gốc.

Cậu lính trẻ Nguyễn Văn Tâm là một trong những người con tình nguyện lên đường ngay sau cái chết của bố anh, khi bom Mỹ tàn phá quê hương Nghệ An của mình. Trước khi đi lính, Tâm có mối tình chớm nở với Nhung, cô gái làng, một mối tình đầu e lệ, trẻ thơ và đầy khát vọng.

Cuốn sách dần dần phát triển theo bước chân người lính đầy nhiệt huyết ấy từ binh nhì, binh nhất đến một cán bộ cơ sở cỡ Trung đội. Tâm trưởng thành qua những trận đánh cam go dữ dội với kẻ địch. Với những trận đánh lớn, đạn bom mù mịt trong chiến trường, Tâm đã bị thương nặng, bị địch bắt, tra khảo, thừa sống thiếu chết nhưng anh đã vượt qua hết bằng ý chí và bằng sức trẻ. Ở quê nhà, cô Nhung – mối tình chớm nở của Tâm trước lúc ra trận đã chờ đợi Tâm suốt một thời gian dài, chịu hai lần nhận giấy báo tử về Tâm từ cấp trên. Nhung xin đi học y tá, và như định mệnh, sau này, cô về công tác tại Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng. Đây cũng chính là nơi Nguyễn Văn Tâm được trở về do quân đội hai bên có cuộc bàn giao tù binh. Mặc dù lúc ấy anh đã hoàn toàn tàn phế, với một khuôn mặt dị dạng, một thân hình teo tóp phải di chuyển bằng xe lăn, thảm thương hơn là tâm thần bất an, trí não không còn biết gì… Sau quá trình điều trị, anh Tâm được trở lại quê hương và kết hôn với người yêu của mình – cô Nhung. Một năm sau đám cưới định mệnh ấy, hai người có với nhau một đứa con trai. Đằng đẵng nhiều năm dài họ đi tìm nhau, trong khắc khoải, mỏi mòn và cồn cào thương nhớ, ngỡ rằng họ sẽ mãi mãi được ở bên nhau. Nhưng số phận lại một lần nữa trêu đùa với Tâm, người lính năm xưa vẫn còn một mảnh đạn nằm trong phổi khá lâu, khối u được hình thành từ nhiều năm rồi. Tâm ra đi, trước khi nhắm mắt, Tâm vẫn kịp trao người vợ của mình lại cho anh Thu xã đội trưởng. Cuốn tiểu thuyết khép lại với sự an bài dịu ngọt, thứ mật ngọt tiết ra từ một thứ tình người cao cả…

Với những câu chuyện bình dị xoay quanh người lính Nguyễn Văn Tâm, tác giả đã khắc họa rõ rét nhân vật người lính ấy, một nhân vật lính chiến điển hình, giữa hoàn cảnh điển hình trong cuộc chiến tranh vệ quốc.

“Tôi viết cuốn tiểu thuyết này với tâm thế của người trong cuộc, là con của một người lính đã trải qua 3 cuộc chiến tranh vệ quốc. Đó cũng có thể là tâm thế của một người được thấm đẫm những bài học lịch sử, thấm đẫm lời kể của những người lính trở về. Giống như có một sự chỉ dẫn nào đó, tôi được đắm chìm trong từng cuộc chiến, tôi cảm nhận được mùi khói, mùi đạn, mùi máu, mùi lửa cháy…” – tác giả chia sẻ về cuốn sách thứ ba của mình.

Nói về tiểu thuyết này, Nhà văn Trung Trung Đỉnh cho biết: “Tác giả không cầu kỳ gò câu đẽo chữ, tỉa tót chi tiết hay làm bóng bẩy dụng công khôn khéo lớp lang như những người thợ chữ lành nghề. Ở góc độ tình cảm chân thành của tác giả, sự “hồn nhiên” kia của tác phẩm là một thế mạnh. Nó khiến người đọc tin tưởng, xúc động vì các chi tiết quá thật, quá đối đời thường. Tác giả, là người kể chuyện, là người đã trải qua. Có khi đang say sưa kể chuyện, họ bỗng bưng mặt khóc vì những ký ức đau thương với bạn bè đồng đội tràn về. Với người viết văn sinh sau cuộc chiến năm 1975, khi chiến tranh chống Mỹ đã kết thúc, Bắc Nam thống nhất một nhà, tác giả Lê Trung Tuấn viết được một cuốn sách về chiến tranh như thế là một thành công rất đáng khích lệ.”

Tiểu thuyết “Người về từ lửa đạn” được tác giả Lê Trung Tuấn viết trong 27 giờ đồng hồ liên tục. Mặc dù được sinh ra và lớn lên sau chiến tranh chống Mỹ cứu nước, sau ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nhưng dường như có một điều nhiệm màu gì đó mách bảo, tác giả Lê Trung Tuấn có thể cảm nhận rất rõ rệt về sự thảm khốc của chiến tranh như chính bản thân đang trải qua.

Chia sẻ về thông điệp nhắn gửi tới bạn đọc, tác giả Lê Trung Tuấn cho biết: “Thông qua tác phẩm này, tôi muốn nhắn gửi một thông điệp, đó là khát vọng hòa bình và sự căm ghét chiến tranh. Các thế hệ đi trước đã nằm xuống để Tổ quốc đứng lên. Bởi vậy, thế hệ chúng ta phải gìn giữ hòa bình, sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của họ.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *