“Người về từ lửa đạn” – liên hệ cuộc đời tác giả Lê Trung Tuấn

Mặc dù được sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, nhưng như có một điều gì đó mách bảo, tác giả Lê Trung Tuấn có thể cảm nhận rất rõ rệt về sự thảm khốc của chiến tranh như chính bản thân đang trải qua để viết nên cuốn tiểu thuyết “Người về từ lửa đạn”.

Chia sẻ về điều đặc biệt này, tác giả Lê Trung Tuấn cho biết: “Tôi viết cuốn tiểu thuyết này với tâm thế của người trong cuộc, là con của một người lính đã trải qua 3 cuộc chiến tranh vệ quốc. Đó cũng có thể là tâm thế của một người được thấm đẫm những bài học lịch sử, thấm đẫm lời kể của những người lính trở về…”

Tác giả Lê Trung Tuấn là “độc đinh” trong một gia đình gia giáo, có truyền thống cách mạng. Bố là cán bộ quân đội, một cựu chiến binh đã từng vào sinh ra tử suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, từng là PCT Hội Cựu chiến binh thị trấn Hòa Mạc; mẹ là bác sĩ Chủ nhiệm khoa Sản, Bệnh viện Duy Tiên. Tuấn sớm đã được học hành tử tế, nhưng cũng được nuông chiều chẳng kém ai. Ngoài ra, cậu ruột của ông lại là một liệt sỹ, có công với cách mạng.

Tác giả Lê Trung Tuấn

Gia đình truyền thống như vậy đã trở thành cái “nôi” để ông được nuôi dưỡng tâm hồn, sớm được nghe ông cha kể lại những câu chuyện hào hùng của thời chiến đã qua. Cũng bởi vậy, tác giả luôn có góc nhìn chân thực với sự nghiệt ngã của chiến tranh để mô tả lại dưới ngòi bút của mình.

Nói về tiểu thuyết “Người về từ lửa đạn”, Nhà văn Trung Trung Đỉnh cho biết: “Tôi nhận thấy, với tác giả Lê Trung Tuấn khi viết Người về từ lửa đạn, anh cứ viết và có thể kể dài bất tận, muốn ngừng ở chỗ nào cũng được. Tác giả không cầu kỳ gò câu đẽo chữ, tỉa tót chi tiết hay làm bóng bẩy dụng công khôn khéo lớp lang như những người thợ chữ lành nghề. Ở góc độ tình cảm chân thành của tác giả, sự “hồn nhiên” kia của tác phẩm là một thế mạnh. Nó khiến người đọc tin tưởng, xúc động vì các chi tiết quá thật, quá đối đời thường. Người đọc như đang được ngồi bàn trà, nghe một người thân là lính trận kể chuyện đời họ. Không màu mè, trau chuốt, nó gần gũi, mang máng thế thôi, nhưng vì rất thật bởi đó là chuyện máu thịt sinh tử của đời họ. Tác giả, là người kể chuyện, là người đã trải qua. Có khi đang say sưa kể chuyện, họ bỗng bưng mặt khóc vì những ký ức đau thương với bạn bè đồng đội tràn về…”

“Người về từ lửa đạn” là cuốn sách thứ ba của tác giả Lê Trung Tuấn. Trước đó, tác giả đã rất thành công với hai cuốn sách mang tên “Nẻo về” (xuất bản năm 2013) và “Trải nghiệm trong thế giới vô hình” (xuất bản năm 2016).

Cuốn tiểu thuyết “Người về từ lửa đạn” xoay quanh câu chuyện về người lính Nguyễn Văn Tâm. Cuốn sách bắt đầu bằng không gian đất nước thời chiến tranh chống Mỹ lên đến đỉnh điểm cao trào của những năm 1967-1968. Ở miền Nam, chúng phát động chiến tranh cục bộ ác liệt với những chiến dịch Đường Chín Khe Sanh, cùng hàng rào điện tử McNamara, hòng ngăn chặn sự xuất quỷ nhập thần của đặc công Việt Cộng. Ở miền Bắc, chiến tranh phá hoại mở rộng, chúng liên tục cho máy bay “thần sấm”, “con ma” mở nhiều trận, nhiều đợt tiến công bằng bom tấn, bom tạ, bom bi, bom bầy khốc liệt hòng tiêu diệt quân ta tận gốc.

Với những câu chuyện bình dị xoay quanh người lính Nguyễn Văn Tâm, tác giả đã khắc họa rõ nét nhân vật người lính ấy, một nhân vật lính chiến điển hình, giữa hoàn cảnh điển hình trong cuộc chiến tranh vệ quốc.

Khi đọc tác phẩm này, người đọc sẽ hình dung được không gian đầy rẫy những khó khăn về kinh tế ở nông thôn miền Bắc, cảm nhận được bối cảnh ngôi làng tiêu điều do chiến tranh với sự đói khổ, nhọc nhằn của những người nông dân đầy thương khó. Người đọc cũng sẽ cảm nhận được sự tàn khốc của chiến tranh, ám ảnh trước bom đạn và những cuộc tra tấn tàn độc mà người lính trong câu chuyện phải gánh chịu. Vì tình yêu Tổ quốc, những người lính đã gác lại tình yêu và tuổi trẻ, để lên đường thực hiện nhiệm vụ. Nhưng sau tất cả, trước hoàn cảnh nghiệt ngã của chiến tranh, tình yêu đôi lứa vẫn hiện hữu, trong sáng và hết sức nhân văn. Với cách dẫn chuyện gần gũi, tác giả dùng đại từ nhân xưng “tôi” khiến đọc giả cảm nhận như chính bản thân mình đang trải qua những câu chuyện ấy, chứng kiến những điều “mắt thấy tai nghe”. Để rồi, cho đến khi khép lại trang tiểu thuyết cuối cùng, nhiều đọc giả sẽ còn day dứt mãi với những câu chuyện “ngỡ như của mình”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *