Giữa sự khốc liệt của bom đạn chiến tranh, giữa đau thương tột cùng của sự chia ly xa cách, cuốn tiểu thuyết “Người về từ lửa đạn” đã khắc họa rất thành công mối tình đẹp đẽ của chàng lính trẻ Nguyễn Văn Tâm và Nhung – cô hàng xóm. Khi đọc tác phẩm, người ta sẽ thấy tin vào tình người và yêu đời hơn, đó cũng chính là ý nghĩa nhân văn của tác phẩm mà tác giả Lê Trung Tuấn gửi gắm qua ngòi bút của mình.
Với lối viết bình dị theo trường phái “tự nhiên chủ nghĩa” (như nhà văn Trung Trung Đỉnh nhận xét về tác phẩm), tác giả Lê Trung Tuấn đã kể câu chuyện của người lính trẻ Nguyễn Văn Tâm một cách rất “hồn nhiên”, không cầu kỳ gò câu đẽo chữ, tỉa tót chi tiết hay làm bóng bẩy dụng công khôn khéo lớp lang như những người thợ chữ lành nghề. Ở góc độ tình cảm chân thành của tác giả, sự “hồn nhiên” kia của tác phẩm là một thế mạnh. Nó khiến người đọc tin tưởng, xúc động vì các chi tiết quá thật, quá đỗi đời thường. Người đọc như đang được ngồi bàn trà, nghe một người thân là lính trận kể chuyện đời họ, không màu mè, trau chuốt, nó gần gũi, mang máng thế thôi, nhưng vì rất thật bởi đó là chuyện máu thịt sinh tử của đời họ.
Cuốn sách bắt đầu bằng không gian đất nước thời chiến tranh chống Mỹ lên đến đỉnh điểm cao trào của những năm 1967-1968. Chàng trai Nguyễn Văn Tâm trong cuốn tiểu thuyết là một trong những người con tình nguyện lên đường, khi bom Mỹ tàn phá quê hương Nghệ An của mình. Trước khi đi lính, Tâm có mối tình chớm nở với Nhung, cô gái làng, một mối tình đầu e lệ, trẻ thơ và đầy khát vọng.
Những chàng trai tuổi xuân phơi phới, hành trang buổi đầu chỉ có trái tim rực lửa căm thù. Họ để lại sau lưng là quê hương và những tình cảm thân thương ngày đêm ngóng đợi cùng nỗi nhớ vời vợi. Tâm lên đường nhập ngũ, Nhung trở thành hành trang mà Tâm mang theo suốt những năm trận mạc, vượt suối, băng đèo; cả những thời khắc sinh tử cận kề.
Ở quê nhà, người yêu của Tâm đã phải nhận giấy báo tử của Tâm đến hai lần, đau xót đến vô tận. Nhưng hơn tất cả, Nhung vẫn luôn tin rằng Tâm còn ở đâu đó trên đất nước này và chờ đợi Tâm suốt 9 năm. Mặc cho đứa con trai đầu lòng với ông xã đội trưởng ngày một lớn lên, nhưng Nhung nhất định không chịu cưới ông xã đội trưởng sau một lần lầm lỡ, trót xao lòng. Nhung cứ ở đó, vừa đợi chờ Tâm, vừa dằn vặt bản thân mình.
Tình yêu thời nào cũng đẹp, nhưng trong cuộc kháng chiến cam go, tình yêu là sự hóa thân. Những người yêu nhau nhập thân vào trong nhau rồi cùng nhập vào tình yêu đất nước. Dưới ngòi bút của mình, tác giả Lê Trung Tuấn đã khắc họa mối tình đầu đẹp đẽ, trong sáng. Nhưng dù có viết về tình yêu đắm say, nồng nàn thế nào, tình yêu ấy vẫn hiện hữu một cách thật lý tưởng, tình yêu đôi lứa nhường cho một tình yêu khác cao cả hơn – tình yêu Tổ quốc.
Ở một góc độ nào đó, tình yêu đôi lứa chính là động lực, tiếp thêm sức mạnh cho những người lính trẻ vượt qua mọi thách thức, mà chiến tranh chính là thách thức lớn nhất. Cũng như Tâm, trước khi lên đường nhập ngũ, Nhung trở thành hành trang. Sau trận đánh cam go, đứng trước cửa tử thần, những ký ức đẹp đẽ về Nhung bỗng trở thành ánh đèn đưa Tâm vượt qua sự tối đen của chiến tranh, bom đạn…
Không phải là mối tình đầu chớm nở chóng tàn, chuyện tình của Tâm và Nhung thật sự đã trở thành định mệnh. Nhung xin đi học y tá, sau này, cô về công tác tại Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng. Đây cũng chính là nơi Nguyễn Văn Tâm được trở về do quân đội hai bên có cuộc bàn giao tù binh. Mặc dù lúc ấy anh đã hoàn toàn tàn phế, với một khuôn mặt dị dạng, một thân hình teo tóp phải di chuyển bằng xe lăn, thảm thương hơn là tâm thần bất an, trí não không còn biết gì…
Sau quá trình điều trị, anh Tâm được trở lại quê hương và kết hôn với người yêu của mình – cô Nhung, lúc bấy giờ đã có một thằng con vì một lần “lầm lỡ”, trót xao lòng với anh “xã đội trưởng”. Một năm sau đám cưới định mệnh ấy, hai người có với nhau một thằng con trai. Đằng đẵng nhiều năm dài họ đi tìm nhau, trong khắc khoải, mỏi mòn và cồn cào thương nhớ, ngỡ rằng họ sẽ mãi mãi được ở bên nhau.
Nhưng số phận lại một lần nữa trêu đùa với Tâm, người lính năm xưa vẫn còn một viên đạn nằm trong phổi khá lâu, khối u được hình thành từ nhiều năm rồi. Tâm ra đi, trước khi nhắm mắt, Tâm vẫn kịp trao người vợ của mình lại cho anh Thu xã đội trưởng. Cuốn tiểu thuyết khép lại với sự an bài dịu ngọt, thứ mật ngọt tiết ra từ một thứ tình người cao cả…
Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, người đọc hình dung được không gian đầy rẫy những khó khăn về kinh tế ở nông thôn miền Bắc, cảm nhận được bối cảnh ngôi làng tiêu điều do chiến tranh với sự đói khổ, nhọc nhằn của những người nông dân đầy thương khó. Người đọc cũng cảm nhận được sự tàn khốc của chiến tranh, ám ảnh trước bom đạn và những cuộc tra tấn tàn độc mà người lính trong câu chuyện phải gánh chịu.
Nhưng những mảng ký ức của Tâm về Nhung sẽ mang đến cho người đọc những giây phút bình yên sau những cảnh nghiệt ngã của chiến tranh. Điều đó có thể thấy rằng, tình yêu đôi lứa vẫn luôn hiện hữu, trong sáng và nhân văn.